“Trên đời, mỗi người một vai. Cái nào dành cho mình thì mình làm” – chuyên gia điều hương (chế và pha trộn mùi) Rei Nguyễn trả lời cho câu hỏi tại sao cô chọn làm công việc nhiều thách thức như vậy.
Rei Nguyễn và công việc thường ngày của một chuyên gia điều hương
Bỏ làm giám đốc, theo đuổi mùi hương
Tôi chọn lấy một lọ nước hoa ngẫu nhiên trong phòng làm việc của Rei Nguyễn và đưa lên mũi. Hương trà dịu dẫn tôi vào không gian của một buổi trà chiều tịch lặng. Đây là sản phẩm Ký ức tháng Ba trong bộ sưu tập 5 mùi hương hiện có của Rei.
Cô cho biết, cảm hứng tạo Ký ức tháng Ba bắt nguồn từ hình ảnh ngày xưa, ông bà cô hay ra ngoài vườn hái hoa bưởi ướp với mía và trà cho những cuộc hàn huyên đầu ngày hay những buổi trà chiều. Với Rei, đó là mùi hương của ký ức, là một nét văn hóa rất đẹp. “Bây giờ cũng có mía, có hoa nhưng các bạn trẻ ít lưu tâm. Rei muốn ghi lại câu chuyện đó. Hương trà hơi đắng, ngái nhưng mang nét thanh cao, được chọn làm mùi hương chủ đạo. Còn lại, trong lọ nước hoa này, có ít nhất 70 hương liệu” – Rei nói. Cô đã mất khoảng 4 năm để gia giảm, tìm ra điểm cân bằng giữa các loại hương liệu và hoàn thành loại nước hoa này.
Hiện tại, không chỉ là người điều chế mùi hương, Rei còn đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất với mong muốn đưa ngành hương liệu của Việt Nam đi xa. Đó là con đường hoàn toàn không có trong hình dung của Rei cách đây 6 năm, khi cô là người trẻ nhất làm giám đốc dự án của một hệ thống ngân hàng với những thành công nhất định. Nhưng chỉ sau 3 năm làm việc, cô gái lứa đầu 9X này lại hoang mang với những câu hỏi “mình là ai, mình sinh ra trong đời để làm gì”.
Trong hình dung mơ hồ, cô nghĩ mình phù hợp với lĩnh vực giáo dục. Thế là Rei bỏ việc ngân hàng, mở trung tâm dạy tiếng Anh nho nhỏ với vài chục học viên. Sau một thời gian, Rei nhận thấy đó là việc mà cô có khả năng làm chứ không thực sự muốn. Trong lúc cảm thấy lạc lõng, định quay lại lĩnh vực ngân hàng, cô lang thang trên mạng tìm thông tin, phân tích tình hình các doanh nghiệp Việt Nam. Cô nhận thấy, lượng sản phẩm liên quan đến hương liệu nhập vào Việt Nam rất lớn.
Cô bắt đầu dành thời gian đọc, tìm hiểu sâu hơn và kết nối với một tiến sĩ chuyên nghiên cứu về lĩnh vực tinh dầu chiết xuất từ thực vật. Những cuộc trò chuyện sâu hơn sau đó khiến cô đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác với câu hỏi: “Trên đời, có lĩnh vực này sao?”. Năm 2017, Rei quyết định dốc hết số tiền có được sau mấy năm làm việc để sang Nhật Bản học ngành thiết kế nước hoa và liệu pháp mùi hương.
Cô tìm đến hương đạo – một trong những loại hình văn hóa của người Nhật, bên cạnh trà đạo, thư đạo, cắm hoa. Rei chia sẻ: “Điều thú vị là trầm hương Việt Nam có mặt trong nghi thức thưởng trầm của người Nhật. Mấy chục năm trước, mẹ của cô giáo dạy Rei từng lặn lội đến Việt Nam để lấy cho được khúc trầm mang về nước. Rất nhiều người ở Nhật theo hương đạo cũng đến Việt Nam để săn lùng các loại trầm”.
Rei Nguyễn tại cuộc triển lãm về mùi hương do cô tổ chức tại Nhật Bản (2019)
Hành trình tìm kiếm giá trị nguyên bản
Năm 2019, Rei trở về Việt Nam thành lập phòng thí nghiệm mở dành cho những người yêu mùi hương tại phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TPHCM, mang tên Note – The scent lab. Ở đó, cô thường xuyên mở những buổi hướng dẫn có tương tác (work shop) để những người quan tâm đến lĩnh vực này có cơ hội trao đổi và thực hành.
Nói thêm về công việc mà mình đang làm, Rei ví cô như kẻ khù khờ đang lần mò để tạo ra những giấc mơ, bởi người điều hương không có sẵn công thức, nguyên liệu như người làm bánh. Hành lang pháp lý liên quan đến ngành hương liệu cũng còn sơ khai và cô phải tự mình tìm cách xoay xở.
Mỗi lọ nước hoa cần cả trăm hương liệu, mỗi thứ một ít, nhưng người ta không bán với số lượng nhỏ. Để giải quyết khó khăn này, cô nghĩ cần đẩy mạnh sản xuất, đẩy mạnh đào tạo, sản xuất theo đơn đặt hàng và bán nguyên liệu cho người khác. Cô tổ chức triển lãm Scents of Japan ở Tokyo, Nhật Bản, nhờ đó được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực biết đến, tạo thuận lợi cho các hoạt động tạo hương và kinh doanh lĩnh vực hương thơm sau này.
Đến nay, sau 6 năm gắn bó với lĩnh vực này, điều mà Rei tự hào nhất là chưa bao giờ từ bỏ mùi hương để làm việc gì khác. Có những lúc khó khăn, cô vẫn không chấp nhận lấy công việc khác ngoài mùi hương để nuôi mùi hương, bởi cô muốn lấy nó nuôi chính nó. Lựa chọn đó biến Rei trở thành kẻ khờ trong mắt nhiều người.
Với Rei, đây là lĩnh vực đòi hỏi rất nhiều về mặt học thuật, nghiên cứu, cho nên cô không thể vừa làm cái này, vừa làm cái kia mà chọn hành trình hết sức chậm rãi. Rei có thể đi nhanh hơn bởi lúc đó, người thầy đầu tiên của cô có nhà máy rất lớn ở Việt Nam và cô chỉ cần chọn mùi, nhập nước hoa về chiết từng chai bán.
“Nhưng tôi nhận thấy, điều đó chẳng khác gì so với việc tôi làm ngân hàng cả. Tôi quan niệm rằng, muốn phát triển, phải bắt đầu từ sản xuất, phải tạo ra điều gì đó từ con số 0. Điều mà tôi hướng đến là tìm kiếm giá trị nguyên bản – một hành trình khó hơn, mất nhiều thời gian hơn” – cô nói.
Hành trình khó khăn đó đã có thành quả khi hiện tại, cô được nhiều người trong giới biết đến. Nhiều thương hiệu nến thơm đã đặt hàng sản xuất và sản phẩm của cô đã có mặt trên thị trường. Cô có niềm tin rằng mình đang đi đúng hướng bởi mấy năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng nến thơm, các loại tinh dầu ở Việt Nam nhiều hơn. Việt Nam cũng là thị trường hứa hẹn khi có những người chi 10-20 triệu đồng để mua lọ nước hoa. Thương hiệu nước hoa R Parfums ra đời năm 2022 là thành quả sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, chế tác.
Công việc có phần khác biệt này khiến có những hôm, cô không ngủ được do nước xả chăn quá nồng, mũi cứ bắt trí não làm việc liên tục. Do đó, cô luôn phải giữ không gian sống và không gian làm việc trung tính. Nhưng công việc này cũng mang đến cho cô rất nhiều “cái được”, mà “cái được” lớn nhất là cô biết rất rõ mình muốn gì trong 5 năm hay 10 năm nữa.
“Lúc bắt đầu, Rei không có gì trong tay ngoài chút ít kinh nghiệm trong ngành ngân hàng. Ban đầu, tôi hơi sợ hãi vì mình không có nhiều việc để làm, nghĩ rằng bận rộn mới là tốt. Đến nay, tôi hài lòng với việc mình không có nhiều việc, chỉ cần những việc mình giải quyết mang lại giá trị” – Rei bộc bạch.
Theo Báo Phụ nữ